Chuyển đến nội dung chính
ĐỀ LUYỆN THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi


VỚI CON
Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.

Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.

Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!

Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.

Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
(Thạch Quỳ)


Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Nhà thơ muốn dặn con những điều gì qua 5 khổ thơ đầu?
Câu 3: Những nhân vật nào được nhắc đến ở khổ thơ số 6? Theo anh (chị) tại sao nhà thơ muốn con phải quan tâm đến họ?
Câu 4: Anh (chị) rút ra được bài học gì từ lời người cha muốn nói qua hai câu thơ sau?
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm) Từ đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những điều bình dị, thân thuộc trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm) Trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả sông Đà ở thượng nguồn:
“Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn” và khi hết ghềnh thác: “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật hiền lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”
(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Sgk Ngữ văn 12, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008, tr.188 – tr.192)

Phân tích hình tượng sông Đà qua hai đoạn văn trên, từ đó làm nổi bật nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phiếu học tập môn toán thứ 6

Đáp án 15 đề ôn thi THPT QG 2020

De kiem tra toan